Có rất nhiều tục lệ cổ truyền trong gia đình mà chúng ta không nắm rõ đươc. Và mỗi khi gặp phải những tình huống đó nhiều người rất bối rối mà không biết phải hỏi ai để tiến hành cho chuẩn. Nhất là trong các nghi lễ trọng đại như: tang ma, cưới hỏi. Sách Thọ Mai Gia Lễ Dẫn Giải sẽ giới thiệu và hướng dẫn chúng ta chi tiết tất cả những điều đó.
Thọ mai gia lễ là gì?
“Thọ mai gia lễ” là gia lễ nước ta, có dựa theo Chu Công gia lễ tức gia lễ thời xưa của Trung Quốc nhưng không rập khuôn theo Tầu. Mặc dầu gia lễ từ triều Lê đến nay có nhiều chỗ đã lỗi thời nhưng khi đã trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ trong nhân dân, nên đến nay trong Nam ngoài Bắc vẫn còn phổ biến áp dụng, nhất là tang lễ.
Cuốn sách nhỏ này tổng hợp nghi thức trong phong tục cổ truyền Thọ Mai Gia Lễ (tức tục tang lễ, ma chay của người Việt Nam), dẫn giải rõ ràng về cách áp dụng ngày giờ, cũng như những điểm xung hợp liên quan đến kẻ sống và người khuất theo quan niệm của người xưa. Những thể thức, kể từ giờ phút người bệnh biến sắc diện bước sang thời kỳ hấp hối rồi lìa đời, đều được trình bày trong các chương, các mục để các bạn dễ dàng tìm hiểu…
Nội dung cuốn sách gồm những phần nào:
Sách được chia làm 2 phần, phần I gồm 7 chương, phần 2 gồm 4 chương như sau:
Phần thứ nhất:
Chương 1. Quan niệm về Lục thập hoa Giáp Tý và Tứ Đế xung hợp lợi hại, phương hướng. Chương 2. Quan niệm về các ngày giờ tốt tính theo ngày, tháng, bốn mùa và năm, trong hôn nhân và tang lễ
Chương 3. Quan niệm về các ngày giờ xấu tính theo ngày, tháng, bốn mùa và năm theo quan niệm xưa
Chương 4. Quan niệm về một số ngày xấu, tốt và cách áp dụng của người xưa
Chương 5. Quan niệm người xưa về tuổi sinh khắc của người sống và người đã quá cố
Chương 6. Quan niệm sắc diện của người sắp chết và tìm hiểu bệnh nặng nhẹ của người xưa
Chương 7. Luận về cách phụng dưỡng cha mẹ, tình cha mẹ thương con và việc săn sóc người lúc yếu đau, bệnh hoạn.
Phần thứ hai:
Chương 1. Luận về tang phục
Chương 2. Luận về tang chế
Chương 3. Luận về việc tống chung
Chương 4. Cải táng.
Tất cả nghi lễ, tục lệ đã có sẵn của người xưa để lại nói về tấm lòng hiếu thảo của con cháu báo đáp công ơn CHA MẸ, ÔNG BÀ, TỔ TIÊN của mình, đồng thời nhắc nhở mọi người đừng bao giờ bỏ quên cội rễ.
Cuốn sách cổ xưa nhưng rất hữu ích trong việc bảo tồn luân thường, tục lệ và đạo lý cổ truyền của người xưa.