Nói đến số Tử Vi thì thực là cả một bài toán về Đại Số rất khó giải, hay là hơn nữa thì lại là một khoa học rất bí huyền…
Ta vẫn thường có câu nói “Trăm điều tránh chẳng khỏi số“, phải chăng con người ta từ lúc còn ở trong bào thai đã có định mệnh rồi! Nếu không thì sao như 2 đứa trẻ sinh đôi cùng ở một buồng chứng mà rồi đến ngày cất tiếng khóc chào đời mà chỉ xa cách nhau giây khắc mà số mệnh đã thấy khác nhau rồi. Khi trưởng thành tất nhiên từ tính tình cho đến cuộc sống còn của 2 trẻ cũng đều không giống nhau nữa. Cho nên trong cõi người ta một trăm năm mới có những cảnh đi ngược giống như người khuất trước với kẻ về sau, mới có những cảnh chênh lệch như người phú quý với kẻ bần hàn, người thông thái với kẻ đần ngu…
“Sông có khúc, người có lúc” vận mệnh con người ta ở đời, chẳng phải là do tạo hóa đã an bài.
Đã từ lâu việc đi xem lá số tử vi trở thành một phần trong đời sống văn hóa của nhiều gia đình Việt. Nó đã và đang tồn tại nhiều thế kỉ nay, nhưng nếu không đúng và thật sự mê tín thì liệu dân ta có tin đến vậy?
Có một thời kỳ cái gì của Tây Phương ta đều nhăm mắt khen là hay, là giỏi mà bất cứ cái gì của cổ học Á Đông ta đều quay lưng lại và cho là gàn dở, sai lầm. Thời ấy có lẽ đã qua và dần dần ta lại được giác ngộ mà thấy rằng “bụt nhà cũng và có lẽ còn thiêng hơn”. Thời phục cổ hay phục hưng đã thấy chỗi dậy ở tâm hồn và tin tưởng xét đoán của một số đông các bạn thanh niên trí thức. Có gì là lạ đau? Châu Âu ở thế kỷ XV và XVI cũng trải qua một phong trào phục hưng và vì thế trở nên mạnh. Ai nấy đều rõ là loài người phân chia ra đàn bà. Cổ nhân (Á Đông) tỷ mỷ hơn và cho là lối phân chia ra “đực, cái” theo hình thức còn thô sơ quá nên biết chia ra đàn ông có hai thứ dương nam và âm nam, đàn bà có âm nữ và dương nữ. Lại còn tỷ mỷ hơn nữa là biết chia “sinh vật” người ra năm loại khác nhau là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, căn cứ vào sức điện lực vô hình phát ra ở từng loại. Xem như vậy thì cái phép nhận định sinh vật bằng các luồng điện vô hình siêu việt hơn gấp bao nhiêu lần cái lối tầm thường là nhận định bằng hình thức.
Cổ nhân Đông Phương biết nói đến cả những cái vô hình, trong lúc chúng ta chỉ biết đến những cái hữu hình qua các môn học Tây Phương.
Nhưng phiền một nỗi, cổ nhân biết, rồi nói ra nhưng không giảng giải “tại sao?” và “cớ gì?” nên coi có vẻ huyền bí, gần như là mê tín, vì thế không làm thỏa mãn các bộ óc khoa học đời nay mà nguyên tắc làm cho tím phục là “tại sao?” và “cớ gì?”
Nhưng không phải là vì cớ không được thỏa mãn sự biết tường tận mà ta đem vứt bỏ cái kho tàng tinh thần của cổ nhân, coi như là một môn lạc hậu. Ta không biết rõ thì ta lại càng phải tìm cho ra để hiểu thấu. Không có lý gì ta lại bỏ không khai khẩn một khu rừng mà trong ấy có một mỏ vàng vô song, chỉ vì ta không có cái bản đồ chỉ rõ nơi nào. Không biết thì ta phải tìm cho ra, mà sự tìm tòi ấy mới có quý giá.
Khoa tử vi là một mảnh trong cái rừng rậm của cổ học Đông Phương. Đó là khoa đẩu số dựa vào nguyên tắc chính sau này: Người ta là một sinh vật trong vũ trụ nên bị chi phối bởi 2 sức mạnh.
- Sức hấp dẫn của trung tâm điểm trái đất (lực hấp dẫn Newton) khám phá ra do sự vô tình để rơi một quả táo. Thật vậy bất cứ sinh vật hay động vật nào rồi cũng có ngày phải chui vào lòng trái đất (vạn vật quy ư thổ). Thời gia góp mặt của mọi vật với thế gian tùy theo “thể chất” của vật ấy: người thì trăm năm, cây cỏ có thứ từ vài năm cho tới ngàn năm, đến các loại kim loại kim khí rồi cũng bị dỉ rốt cuộc cũng chui vào đất cả, theo sức hấp dẫn vô hình nhưng rất mạnh.
- Sức hấp dẫn của các vị tinh tú trong vũ trụ
Sức hấp dẫn này làm căn bản cho nguyên tác của đẩu số tử vi. Khi ở thể “không” là không có gì thì không chịu sức hấp dẫn nào cả. Đến khi bắt đầu thụ thai đó là bắt đầu chịu sức hấp dẫn của vũ trụ rồi. Nhưng sức hấp dẫn ấy mạnh nhất, có nhiều ảnh hưởng nhất là lúc người ta sinh ra đời góp mặt với vũ trụ. Vì thế người ta đặt ra số tử vi căn cứ vào giờ, ngày, tháng và năm sinh để biết rằng lúc thời gian sinh ra đời ấy thì ta chịu ảnh hưởng của những vì sao nào trong vũ trụ, lúc ấy các vị ấy đóng ở đâu và sau này sẽ gây ra những ảnh hưởng gì cho ta.
Ta phải chịu ngay là cổ nhân tài tình ở chỗ đời xưa làm gì có viễn kính mà biết được các vì sao, mà dẫu có chăng nữa thì trong số ức, triệu vị, sao lại chỉ trọn có độ 100 vị cho là có ảnh hưởng đến đời người ở trên trái đất. Làm sao mà lại phân các vị ra làm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ được? Làm gì thủa ấy đã có các máy móc tinh vi như nay mà phân chia nổi ra các loại như vậy.
Ngay trong số Tử Vi ta đã thấy nguyên tắc chí công của tạo hóa; Ai nấy đều có đủ 100 vì sao, không phải vì kẻ giàu người sang thì mới đủ, mà người hèn, nghèo thì có ít đi, cũng như đã là người thì đều có đủ các bộ phận như nhau, có khác chăng là nếu các vì sao đóng đắc địa thì sinh ra trăm điều hay, ví dụ chí cả đạt lớn, mà đóng hãm địa thì sinh ra luẩn quẩn, tài hèn, trí thiển cả đời không đạt được việc gì như ý muốn.
Tử vi còn cho “trí mệnh” vì thế làm cho ta không kiêu mà cũng không tủi, không kiêu ở chỗ khi lên cao mà không hợm hĩnh vì đã hiểu rằng đó là do sức hấp dẫn vô hình của các vì sao mà trở nên hay dở mà thôi, thứ tài ba có kể mà chi; không tủi những khi vận xám đưa ta xuống đất đen vì đã hiểu rằng không phải vì bất tài hay sút kém mà là do các hung tinh điều khiển mọi cái không hay.
Chúng tôi nhận thấy đẩu số tử vi rất khoa học mà có vẻ là một bài toán trong ấy ta phải tính, cân nhắc từng vì sao là hành gì đi với cung ấy thì chế hóa nhau thế nào, tiết và thụ khí ra sao rồi gây ra những ảnh hưởng gì, không khác chi một bài hóa học. Nhưng khốn thay vì lòng ích kỷ “duy ngã”, “độc tôn” của người ta, nên tất cả cái “bí truyền cốt tử” không được phổ thông mà chỉ thu hẹp trong phạm vi của một vài môn phái chân truyền.
- Người ta không bảo thật thì ta mò mẫm tìm để hiểu vậy! Rồi kết quả cũng phải là tìm thấy tuy bằng một giá đắt, nghĩa là vất vả vì phải trải qua kể hàng nghìn lá số đủ các hạng người mới “đãi” ra được một vài kinh nghiệm.
Chúng tôi nhận thấy 2 cái khó nhất của Tử vi:
- Làm sao mà biết cho tinh thông một vị sao đứng ở cung nào thì tiết hay thụ khí như thế nào?; gặp các vị sao khác đồng cung ấy thì khắc khóa, hay sinh chế nhau theo tỷ lệ nào? Có khi vì khắc chế nhau mà nhiều vì sao trong một cung tuy có mà như không, rút lại chỉ còn một hay vài vị có năng lực tác phúc hay sinh họa. Ta sẽ đoán số theo tính cách của các vị sao còn sót lại. Chứ cứ để nguyên cả 100 vị sao rải rác ra trong 12 cung, mỗi cung trung bình 7-8 vị, rồi mỗi vị một tính cách khác nhau thì còn biết đằng nào mà lần cho ra manh mối.
- Cách đoán của tử vi rất “co dãn” thế nào cũng đúng cả. Về điểm này ta phải dựa vào kinh nghiệm thì mới “sát” được sự thật. Ví dụ; Đại Hao! Thế nào là hao? Bị mất cắp cũng hao, cho tiền người ta cũng là hao, mua đồ dùng vè cho mình (được hưởng) nhưng phải trả giá cũng là hao. Cái khó là biết nhận chân và hư. Bị mất cắp là chân hao (không được hưởng cái gì về) mua được cái nhà để ở nhưng với giá cao đó là hư hao, không phải hoàn toàn là hao vì tuy mất của nhưng lại được nhà …
Đây là những hạt vàng chúng tôi đãi được từ bao nhiêu năm công phu nghiên cứu và chiêm nghiệm, nhất là chiêm nghiệm. Chúng tôi không ích kỷ chỉ muốn giữ lấy một mình. Chúng tôi xin đem ra cống hiến những ai đã từng băn khoan về khoa đẩu số Tử vi được thấy tri âm.
“Trích tựa sách Tử Vi Khoa Học”
Soạn giả
Thương Lương – Văn Thái
Mời bạn đón đọc những đầu sách Tử Vi hay nhất mọi thời đại >> tại đây!