Sách : Bách Việt Tiên Hiền Chí Lĩnh Nam Di Thư
Miễn phí vận chuyển!
—————————————————————————————————————————————
“Bách Việt Tiên Hiền Chỉ là một tác phẩm quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu về nguồn gốc của chủng tộc Bách Việt ngày xưa. Theo bộ đại từ điển Từ Hải Hợp Đính, gọi tắt là Từ Hải, viết bằng lối chữ phồn thể, xuất bản tháng 3 năm 1947 (tái bản tháng 2 năm 2003) thì: “Bách Việt (chữ Việt bộ Tẩu), tên của chủng tộc, cũng viết là Bách Việt (chữ Việt bộ Mễ). Theo sách Thông Khảo Dư Địa Khảo Cổ Nam Việt: Từ Ngũ Lĩnh về phía Nam, cùng thời với Đường, Ngu, Tam Đại, là nước của Man Di, ấy là đất của Bách Việt.”
Từ Hải còn ghi chú thêm: “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy, tám nghìn dặm, Bách Việt sống lẫn lộn với các dân tộc khác, nhưng luôn luôn giữ cá tính của dân tộc (Bách Việt tạp cư, các hữu chủng tính). Xem như vậy, Bách Việt, từ núi Ngũ Lĩnh đổ xuống phương Nam, vừa là nước, vừa là sắc dân, sự hiện diện đã được ghi nhận, từ thời thượng cổ Đường (vua Nghiêu), Ngu (vua Thuấn), Tam Đại (Hạ, Thương, Chu). Và, người Bách Việt có cá tính riêng và luôn luôn giữ cá tính nầy. Đúng với sự khẳng định của Nguyễn Trãi, trong bài Bình Ngô Đại Cáo:
Sơn xuyên chỉ phong vực ký thù
Nam Bắc chi phong tục diệc dị
Sơn hà cương vực đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
(Trần Trọng Kim – Bùi Kỷ dịch)
“Bách Việt Tiên Hiền Chỉ, như tựa đề, là một công trình sưu tập, nghiên cứu, ghi lại một cách công phu hành trạng, công nghiệp, ngôn từ, tư tưởng của các danh nhân người Bách Việt, trải qua nhiều triều đại của Trung Hoa. Những danh nhân nầy, với phong cách cao quý, tài năng vượt bực, tư tưởng cao siêu, đã là thành phần nồng cốt xây dựng nên nền văn minh, mà ngày nay, thế giới gọi là văn minh Trung Hoa.
Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt Nam đã sưu tập được hai bộ “Bách Việt Tiên Hiền Chỉ”.
Một bản, in năm Tân Mão (1831), đời Thanh, chữ lớn, khắc đẹp, nơi tên tác giả đề là Thuận Đức Âu Đại Nhậm (ông Âu Đại Nhậm, người ở Thuận Đức).
Bản thứ hai, in vào năm Dân Quốc thứ hai mươi sáu (1936), chữ nhỏ, bản khắc có nhiều chữ không rõ, nơi tên tác giả đề là Minh Thuận Đức Âu Đại Nhậm Trinh Bá soạn (soạn bởi ông Âu Đại Nhậm, tự là Trinh Bá, người ở Thuận Đức, đời nhà Minh).
Như vậy, tác giả của sách là Âu Đại Nhậm.
Theo Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục Đề Yếu, Âu Đại Nhậm, tên chữ là Trinh Bá, người huyện Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông, làm quan đời Gia Tĩnh, triều Minh, đã từng giữ những chức vụ huấn đạo Giang Tô, đổi làm học chánh Quang Châu, rồi về triều làm bác sĩ Quốc Tử Giám. Chức vụ sau cùng của ông là hộ bộ lang trung ở Nam Kinh.
Phần lớn cuộc đời làm quan của ông là ở đất Bách Việt cũ, nên ông có nhiều cơ hội tìm hiểu, sưu tập những chứng tích về tiên hiền Bách Việt.
Vả chăng, Âu Đại Nhậm, gốc tích từ Thuận Đức, Quảng Đông, cũng là người thuộc gốc Bách Việt.
Thuận Đức là một huyện thuộc Quảng Đông, phía Đông Nam huyện Nam Hải, gần giáp Giang Tây, chạy ra tới biển. Tên huyện được đặt thời nhà Minh, tiếp tục giữ dưới thời nhà Thanh. Đến đời vua Quang Tự nhà Thanh, Thuận Đức được mở rộng thành một hải cảng lớn, nổi tiếng là nơi sản xuất và xuất cảng tơ, lụa, vân, sa…
(Xin đừng lầm với phủ Thuận Đức thuộc tỉnh Trực Lệ. Phủ này được lập vào đời nhà Tống, vào thời Kim, Nguyên đổi thành bộ, đến đời Minh đổi lại là phủ. Nhà Thanh vẫn giữ nguyên theo nhà Minh.
Đến thời Dân Quốc, tên Thuận Đức bị bãi bỏ).
Như vậy, bộ “Bách Việt Tiên Hiền Chỉ được viết bởi một người gốc
Bách Việt, từng làm quan nhiều năm ở đất Bách Việt cũ, viết về tiên hiển Bách Việt. Tóm tắt, đây là bộ sách của người Bách Việt viết về tiền nhân Bách Việt.
Nhận thấy tầm quan trọng của bộ “Bách Việt Tiên Hiền Chỉ, đối với dân tộc Việt Nam (là một trong Bách Việt), nhất là trong giai đoạn nầy, giai đoạn mà Việt tộc đang phải chống chọi với những cuộc xâm lăng văn hóa từ nhiều phía, Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt Nam đã đề nghị giáo sư Trần Lam Giang phiên dịch bộ sách nầy ra Việt ngữ và giáo sư đã mau mắn nhận lời, coi đây là một công tác mà anh em giao phó, để giúp cho các thế hệ trẻ có thêm tài liệu xác tín khi tìm hiểu về quá khứ của dân tộc.
Người xưa có câu “chu tầm chu, mã tầm mã”, nghĩa là “những người sống trên thuyền thì tìm đến và sống với những người sống trên thuyền; giống dân sống trên lưng ngựa thì tìm đến và sống với giống dân sống trên lưng ngựa.” Câu nầy phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa hai chủng tộc, Việt ở phương Nam và Tàu ở phương Bắc; giữa giống dân sống định cư, làm ruộng trên vùng sông nước và giống dân sống du mục trên lưng ngựa, khác nhau từ nếp sống, phong tục tập quán, đến văn hóa.
Trong Kinh Thi, với thiên Chu Nam và Chiêu Nam, Khổng Tử đã ca tụng nền văn minh rực rỡ của phương Nam và vị vạn thế sư biểu của Bắc tộc đã học hỏi rất nhiều ở nền văn minh nầy, đem áp dụng và đặt ra những quy luật xã hội cho các giống dân phương Bắc…
Trong kinh Xuân Thu, Khổng Tử đã ghi lại bao nhiêu trường hợp cha giết con, con giết cha, cha cướp vợ của con, con cướp vợ của cha, anh em dâm loạn với nhau, bề tôi giết chúa, trong giới vua chúa quý tộc Trung Hoa. Điều nầy, chứng tỏ rằng, trong khi Bách Việt ở phương Nam đã đi vào đời sống nề nếp của văn minh nông nghiệp, thì Bắc tộc Trung Hoa vẫn còn dã man với nếp sống du mục.
Khổng Tử đã đem những gì nghiên cứu, sưu tập, học hỏi của nền văn minh Bách Việt phương Nam, đặt để thành những quy luật, trật tự cho xã hội phương Bắc. Bởi vậy, ông mới xác định công việc của ông là “thuật nhi bất tác”…
Trải qua các triều đại Tần, Hán, Đường, Tống, Bắc tộc Trung Hoa đã xâm lăng, thôn tính được đất đai Bách Việt, nhưng ngược lại đã bị nền văn minh Bách Việt đồng hóa.
Hỡi ơi, Bách Việt ngày nay còn lại những dòng tộc nào? Có còn chăng là Việt Văn Lang trên mảnh đất hình chữ S ven bờ Đông Hải. Lịch sử của Việt Văn Lang là chống chọi triền miên với các cuộc xâm lược của Bắc tộc, để gìn giữ nền độc lập, tự chủ cho mảnh đất cuối cùng của Bách Việt ở cõi trời Nam.
Ngày nay, người Đài Loan xác định nguồn gốc Bách Việt của họ, gồm Điền Việt từ Vân Nam, Việt Đông từ Quảng Đông, Quảng Tây và Mân Việt từ Phúc Kiến, Chiết Giang, với mục đích muốn tuyên bố độc lập cho đảo quốc nầy.
Cũng ngày nay, do các công trình khảo cổ, nghiên cứu chủng tộc, người ta xác định dân tộc Nhật Bổn vốn phát xuất từ Việt Đông.
Việt Văn Lang không cần xác định gì hết về nguồn gốc, vì từ ngàn xưa, vẫn vững chân trên lãnh thổ của mình. Chẳng những vậy, Việt Văn Lang còn “cầm búa đi khai phá phương Nam” (đúng theo ý chí của tiền nhân khi dùng bộ “tẩu” viết nên chữ Việt), để mở rộng cơ đồ xuống tận mũi Cà Mau…
Đọc “Bách Việt Tiên Hiền Chỉ để hiểu rõ sự khác biệt giữa văn hóa Bách Việt và văn hóa Bắc tộc Trung Hoa; để phân biệt đâu là văn minh Bách Việt trong nền văn minh mà thế giới ngày nay gọi là văn minh Trung Hoa.
Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt Nam trân trọng giới thiệu tác phẩm này.
Little Sàigòn, ngày 17 tháng 6 năm 2006
TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VIỆT NAM
Bản in lại theo nguyên gốc, chỉ còn vài bộ.
Quý vị mua sách nhắn: Tên sách, địa chỉ, điện thoại, họ tên người nhận để được chuyển sách miễn phí tận nhà.
Kiểm tra sách ưng ý mới thanh toán.
Dự án phục chế sách cổ để lấy kinh phí trang bị thiết bị dập lửa tự động góp phần bảo tồn 20.000 ngôi đình ngôi chùa Việt Nam
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.