Sách : Sử Thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước – Đặng Văn Lung
Miễn phí vận chuyển
—————————————————————————————————————————————
Năm 1976, lần đầu tiên sử thi thần thoại Đẻ đất đẻ nước sưu tầm ở Hoà Bình được dịch ra tiếng Việt do NXB Văn học ấn hành, được giới thiệu rộng rãi tới bạn đọc và giới nghiên cứu trong nước. Công trình này do ba tác giả: Quách Giao, Thương Diễm, Bùi Thiện tiến hành với độ dài gần 6.000 câu. Gần 20 năm sau, năm 1995, Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin cho ra mắt tiếp tập sách Vốn cổ văn hoá Việt Nam của Viện Đông Nam Á, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, do hai tác giả Bùi Thiện và Trương Sĩ Hùng sưu tầm, biên soạn. Đây là công trình đồ sộ bằng tiếng Mường, tiếng Việt ghi trọn ở Hoà Bình dày trên 2.000 trang, là cuốn sách nghiên cứu về mo Mường, được các tác giả biên soạn lại trên cơ sở bản mo Đẻ đất, đẻ nước đã xuất bản năm 1976.
Trước khi bộ sử thi thần thoại Đẻ đất, đẻ nước được công bố ở Hòa Bình, năm 1975, Ty Văn hóa Thanh Hóa đã xuất bản bộ sử thi thần thoại cùng tên song ngữ Việt – Mường, do Vương Anh và Hoàng Anh Nhân sưu tầm, biên soạn. Trên cơ sở văn bản này, Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu bộ sử thi Đẻ đất, đẻ nước do ông Đặng Văn Lung làm chủ biên. Công trình đã được xuất bản năm 1988. Từ văn bản gốc, cả bản chép tay và bản in, đã được các tác giả chỉnh lý biên soạn lại, lược bớt trùng lặp nhưng tôn trọng những chi tiết nội dung cần thiết, đảm bảo tính thực tiễn xác thực của một công trình khoa học.
Nhờ những ưu việt trên, xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của công chúng độc giả, Công ty cổ phần Sách – Văn hóa tổng hợp Hòa Bình phối hợp với Công ty cổ phần phát triển truyền thông Việt Nam – Lào – Campuchia; Nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam; Công ty cổ phần Danh Nam và một số đơn vị, doanh nghiệp đã quyết định tái bản cuốn sách “Đẻ đất đẻ nước”, công trình của các tác giả Đặng Văn Lung, Vương Anh, Hoàng Anh Nhân.
Các tác giả đã giới thiệu khá tỉ mỉ, công phu quá trình thực hiện công trình nghiên cứu này. Nhưng quan trọng hơn, và cũng là nội dung chủ yếu, tác giả đề cập vấn đề thần thoại Mường, phản ánh nhận thức về thế giới tự nhiên, về cuộc chinh phục tự nhiên và những nét lớn trong đời sống xã hội của người Việt – Mường trời cổ đại. Hệ thống thần thoại Mường kết hợp thành sử thi thần thoại Đẻ đất đẻ nước, phản ánh cuộc sống đa dạng, phong phú của xã hội Mường.
“Đẻ đất, đẻ nước” là một tác phẩm văn học giữ vai trò tiêu biểu. Diễn xướng của áng sử thi này đi liền với từng chặng của nghi thức tổ chức tang ma dân tộc Mường. Đáng chú ý, trong suốt chặng diễn xướng 12 ngày đêm, cuộc mo được chia làm hai hình thức rõ rệt, gọi là: Mo Vải và mo Tiêu. Mo Vải bao gồm những khúc ca miêu tả cảnh huyền ảo ở mường Ma, mường Trời. Quá trình diễn xưởng thể hiện những quan hệ cuộc sống của các dạng thần cách ly với mường Người. Nghe mo Vải, ta được tiếp cận với những phác họa thân thiện, hoành tráng, thấu được vẻ tha thiết mối lo toan của người sống với linh hồn người chết. Nội dung phần này ngời lên vẻ đẹp phẩm giá, chất lãng mạn của con người khi họ vượt qua chặng đường của thời kỳ nguyên thuỷ. Những khúc ca bi tráng đó vẫn lấp lánh ước mơ lý tưởng, quan niệm đạo đức, tầm nhìn thời đại, khát khao cái đẹp bằng những hình thức phong phú, đa dạng. Ở nửa đầu phần mo Vải, đoàn lữ khách trong cõi ảo tưởng đi thăm nhận mặt dòng họ tổ tiên ở mường Ma, phần sau được mo dẫn lộ lên mường Trời với cảnh thiên đường mới lạ.
Mo Tiêu cũng là phần nổi bật chủ đề của sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Cũng giống như phần trên, ông mo dẫn dắt linh hồn người chết và đoàn lữ khách trong ảo tưởng đi thăm hết mường Ma, mường Trời và bây giờ trở lại thăm cõi đất mường Người. Ông mo kể những câu chuyện hình thành vũ trụ, khai thiên, lập địa, lịch sử sinh ra muôn loài, mọi vật là thuỷ tổ gốc gác loài người. Kết thúc mo Tiêu cũng là lúc cả mường bản chuẩn bị đưa quan tài người chết ra nghĩa địa. Trong lúc đưa đám còn diễn ra các khúc ca bi ai cuối đứt, cuối lìa, cuối lại… Đây là lời ca thiêng liêng dâng người quá cố, răn dạy người đời ở lại ăn ở tương thân, tương ái. Thực ra, trong tang lễ 12 ngày đêm, nơi diễn xướng áng sử thi thần thoại “Đẻ đất, đẻ nước”, còn có một hình thức mo nữa, đó là mo Tuông. Mo Tuông được cử – hành sau khi đậy kín nắp quan tài người chết và đồ cúng đã bày trên bàn thờ, tức là trước khi diễn ra mo Vải và Mo Tiêu. Ông mo quay mặt về phía bàn thờ đặt nơi đầu thi hài mà đọc những áng mo thiêng liêng thần thánh, vận động kỹ xảo của truyện thần thoại để xây dựng ước lệ vị thần của tâm thức Fonklo Mường. Đó chính là dấu ấn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nòi giống của người nguyên thuỷ được lưu truyền tái tạo trong áng sử thi tuyệt vời này. Nội dung của mo Tuông là giúp linh hồn người chết về chốn mường Ma, nơi cư trú của thế giới huyền bí. Thực chất đây là nẻo về chốn thuỷ tổ cội nguồn sinh ra loài người. Phần mo Tuông kết thúc sau hai, ba ngày diễn xướng.
Tóm lại, “Đẻ đất đẻ nước” là sự kết hợp nhuần nhuyễn những liên khúc thần thoại với nhau. Hình thức diễn xướng gắn liền với đời sống văn hoá và tâm linh người xưa. Những giá trị nguyên thuỷ đó vẫn còn tồn tại trong thời đại xã hội Mường bước sang ngưỡng cửa văn minh.
Nhà thơ Lò Cao Nhum
(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam rưởng ban biên tập báo Văn nghệ Hòa Bình)
Bản in lại theo nguyên gốc, chỉ còn vài bộ.
Quý vị mua sách nhắn: Tên sách, địa chỉ, điện thoại, họ tên người nhận để được chuyển sách miễn phí tận nhà.
Kiểm tra sách ưng ý mới thanh toán.
Dự án phục chế sách cổ để lấy kinh phí trang bị thiết bị dập lửa tự động góp phần bảo tồn 20.000 ngôi đình ngôi chùa Việt Nam
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.