Kinh Dịch là gì? Vài nét về kinh dịch? (Phần 1)

I. Nhập đề kinh dịch là gì?

Kinh Dịch là một trong năm cuốn sách cổ của Trung Quốc, gọi là bộ Ngũ Kinh, đã có ảnh hưởng lớn trong nền văn hóa dùng chữ Hán, không những ở Trung Quốc mà cả ở Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… Kinh dịch tương truyền do nhà tư tưởng sáng lập ra đạo Nho là Khổng Tử phỏng theo sách cổ soạn ra.

Những nghiên cứu gần đây lại cho thấy rằng, Kinh Dịch đang được dùng phổ biến từ đời nhà Tống đến nay không phải do Khổng Tử viết mà là do những học giả sau này, từ thời nhà Hán (những thế kỷ đầu công nguyên), đã mượn tên Ngài để soạn ra. Tuy nhiên ở đây chúng ta không đi sâu vào phần tư liệu học, nên ta vẫn tôn trọng người xưa, coi Dịch là do Khổng Tử viết ra và là bộ Kinh quan trọng nhất trong năm bộ Kinh cổ. Đó là:

  1. Kinh Dịch, sách bàn về sự tiến hóa của vũ trụ và con người (cũng là sách triết học trình bày vũ trụ quan và nhân sinh quan của người xưa).
  2. Kinh Thi, là bộ sách sưu tầm những thơ ca dân gian đương thời, phản ánh mọi mặt sinh hoạt và tập quán của nhân dân Trung Quốc thời xưa.
  3. Kinh Thư, là bộ sách ghi chép những sự kiện của vua tôi Trung Quốc cổ khuyên răn nhau, từ thời Nghiêu-Thuấn đến đời Đông Chu, nhằm phát biểu những quan niệm về đạo lý, về chính trị, về luật pháp đương thời.
  4. Kinh Lễ, là bộ sách ghi chép những qui ước về lễ nghi đương thời, dùng lễ nghi để giáo dục ý thức tôn ti trật tự trong xã hội phong kiến cũ.
  5. Kinh Xuân Thu, là bộ sách chính do Khổng Tử làm ra. Đó là bộ biên niên sử ghi chép việc nước Lỗ, từ thời Lỗ Ân Công (năm 721 trước công nguyên) đến thời Lỗ Ai Công năm thứ 14 (năm 481 TCN). Sách ghi chép cả công việc nhà Chu và các nước chư hầu. Đó cũng là cuốn sách phát biểu những quan điểm về chính trị của Khổng Tử.

II. Dịch là gì?

Quẻ đơn trong kinh dịch

Theo chiết tự, chữ Dịch gồm chữ “nhật” là mặt trời ở trên và chữ “nguyệt” là mặt trăng ở dưới, nên nhiều nhà nghiên cứu giải thích: Dịch là sự biến đổi có chu kỳ của mặt trời và mặt trăng, hai thiên thể có anh hưởng lớn tới trái đất đối với sự tạo thành khí hậu bốn mùa cũng như sự suy thịnh của muôn vật. Đó là lời giải thích có lẽ hợp lý nhất.

Có tác giả lại cho rằng Dịch là tượng của một giống thằn lằn khi di chuyển có thể thay đổi được nhiều màu sắc cho hợp với hoàn cảnh. Có người giải thích “Dịch là biến dịch” trên cơ sở cái “bất biến” và cái “đơn giản”. Cũng có tác giả lại cho rằng chữ Dịch vốn là tên gọi của một chức quan của các vương triều Trung Quốc cổ đại chuyên quan sát những biến đổi của các thiên thể trên bầu trời để dự báo “cát hung” cho các Vua Chúa, về sau được gọi là quan coi việc “Bốc Dịch”. Dù giải thích bằng cách nào thì “Dịch” cũng tàng chứa ý nghĩa về sự biến đổi.

III. Nguồn gốc của Kinh Dịch

Đó là câu hỏi của nhiều người khi nghiên cứu dịch. Sách Dịch ta đang dùng ngày nay, bao gồm cả phần Kinh và phần Truyện, tương truyền do Khổng Tử san định. Thực ra sách này không phải do một người viết mà do nhiều học giả nối nhau từ thời Tần Hán đến mãi đời nhà Tống (tức là sau trên một ngàn năm) nó mới có dạng như ngày nay. Sách được dùng phổ biến hiện tại, ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, là bộ Chu Dịch do hai học giả nổi tiếng đời nhà Tống là Chu Hy và Trình Di biên soạn và chú giải.

Nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất rằng: Kinh Dịch cổ chỉ gồm có hình vẽ Hà đồ, Lạc thư, mô hình 8 quẻ cơ bản và 64 quẻ kép, cùng những lời giải này rời rạc, khó hiểu và tối nghĩa. Tổng cộng có bốn trăm năm mươi điều với hơn bốn ngần chín trăm chữ. Nó được hình thành chậm nhất vào đời Tây Chu, nên người ta gọi là Chu Dịch. Còn phần Dịch Truyện bao gồm 10 mục, còn gọi là “Thập Dực” (mười cánh chim), mang nặng tính triết học Nho-Lão, tương truyền do Khổng Tử biên soạn vào thời Xuân Thu sau này.

Các nhà nghiên cứu còn tin tưởng chắc chắn rằng: phần Dịch cổ là cuốn sách chuyên về thuật số bói toán, có nhiều khả năng do các chuyên gia cổ đại về môn này viết ra. Đó là sách của các quan Thái bốc cổ xưa lưu truyền lại. Họ là những người đầu tiên sáng tạo ra phương pháp viết chữ số theo cơ chế nhị phân, mà mãi sau này vào thế kỷ thứ 16, nhà toán học kiêm triết gia Đức là Leibnitz mới phát hiện ra, khi ông giải mã 64 quẻ Dịch.

Còn phần “Dịch Truyện” mang đậm tính triết lý thì do các Nho gia thời Tần-Hán soạn ra, những đã mượn danh học giả nổi danh trước đó là Khổng Tử để cho phần triết lý và giáo dục đạo đức dẽ lọt lòng người. Sau này, hậu thế vẫn tôn trọng ý kiến của người xưa, gán việc sáng tạo ra Kinh Dịch, một tác phần uyên thâm về tượng số cho bốn học giả được người đời tôn là bốn vị thánh: Phục Hy, Chu Văn Vương, Chu Công Đán, Khổng Tử.

>>> Xem thêm: Kinh Dịch – Ngô Tất Tố

IV. Tác dụng của Kinh Dịch

Kinh Dịch có tác dụng gì?

Kinh Dịch là bảo điển giải khai mật mã vũ trụ, hạnh phúc nhân sinh.

Kinh Dịch là triết lý và kinh nghiệm hàng ngàn năm của văn minh Á Đông, nó bao la vạn tượng, phạm vi liên quan đến rất rộng, hầu như tất cả tri thức đều bao gồm trong đó, là bộ bách khoa toàn thư. Nó trao cho nhân loại 3 chiếc chìa khóa vàng.

Chìa khóa vàng thứ 1 là “âm dương”, bất kỳ sự việc nào trên thế giới, cân bằng âm dương đạt được hài hòa, hài hòa thì có thể phát triển, tiến bộ.

Chìa khóa vàng thứ 2 là “ngũ hành”, vạn sự vạn vật đều không rời xa cái bóng của ngũ hành, mệnh lý học và vị lý học của phong thủy đều từ nó mà sinh ra.

Chìa khóa vàng thứ 3 là “bát quái”, bát quái phát triển thành “Văn Vương 64 quẻ”. Nó cho chúng ta biết 64 mật mã của vũ trụ, đại thiên thế giới cũng không ngoài mật mã này.

Mời các bạn tham khảo một số cuốn sách kinh điển về Kinh Dịch TẠI ĐÂY!

Nguồn tham khảo:

Sách Kinh Dịch Và Hệ Nhị Phân – Hoàng Tuấn

Bài viết Kinh Dịch https://daoduckinh.com/kinh-dich/

Mời quý vị khán giả đón đọc phần tiếp theo của “Kinh Dịch là gì? Vài nét về kinh dịch?” >> tại đây!

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.

098 164 0961