Sách học chữ Nho vỡ lòng cho trẻ nhỏ thuở xưa

Nền Nho học ở nước ta đã lùi sâu vào dĩ vãng nên nhiều người, nhất là lớp trẻ ngày nay không hình dung được cách học hành và chế độ thi cử thời xưa. Trong bài này tôi muốn giới thiệu sơ lược một số “sách giáo khoa” được dùng làm tài liệu giảng dạy và học tập cho lớp học trò nhỏ tuổi mới bắt đầu bước chân đến “cửa Khổng sân Trình”.

Sách Ấu Học Quỳnh Lâm
Sách Ấu Học Quỳnh Lâm

Cuốn sách vỡ lòng chữ Hán phổ biến nhất để đào tạo nhân tài tương lai của nhiều thế hệ trước đây là cuốn Tam tự kinh. Như tên gọi của nó, mỗi câu trong sách gồm 3 chữ có gieo vần để người học dễ nhớ, chữ cuối các câu chẵn có vần với nhau, cứ liên tiếp hai vần trắc rồi lại hai vần bằng:

Nhân chi sơ,
Tính bản thiện.
Tính tương cận,
Tập tương viễn.
Cẩu bất giáo,
Tính nãi thiên

Giáo chi đạo,
Quí dĩ chuyên

tamtukinh_nd1
Sách Tam Tự Kinh

Cuốn Tam tự kinh do một nhân vật nổi tiếng đời nhà Tống là Vương Ứng Lân(1) soạn để dạy trẻ trong nhà, nhưng về sau nhiều người thấy hay mới đem phổ biến dùng làm sách huấn mông (dạy trẻ) và cũng được đưa vào Việt Nam khá sớm.

Cuốn sách đề cập đến nhiều nội dung: Từ cách giáo dưỡng một em bé mới lên 5-6 tuổi về vấn đề tu dưỡng tính tình, về lễ nghi hiếu đễ, về đối nhân xử thế… cho đến những kiến thức về lịch sử, xã hội và cả những vấn đề vạn vật và vũ trụ mà chỉ gói gọn trong khoảng 1000 chữ Hán. Ở Việt Nam trước đây cũng đã có người diễn âm Tam tự kinh ra thể lục bát để trẻ con dễ học, dễ nhớ, chẳng hạn:

Bà Mạnh ở chọn láng giềng,
Con thơ biếng học chém liền cửi khung.
Năm con họ Đậu một dòng,
Nghĩa phương hòa một bảng rồng cả năm.
(Tích Mạnh mẫu, trạch lân xử.
Tử bất học, đoạn cơ trử
Đậu Yên sơn, hữu nghĩa phương.
Giáo ngũ tử, danh câu dương).

Việc học tập ngày xưa, nhất là ở lứa tuổi ấu học không có chương trình quy định chặt chẽ và khoa học như ngày nay, nên việc học sách gì trước, sách gì sau là do thầy đồ quyết định, vì “sách giáo khoa” không có hệ thống đi từ dễ đến khó, mà mỗi quyển đều có nội dung riêng biệt không phụ thuộc lẫn nhau. Chẳng hạn cuốn Sơ học vấn tân đề cập đến vấn đề lịch sử Trung Quốc và Việt Nam, có thêm một phần nói về cách xử thế và những lời khuyên đối với học trò; quyển Minh đạo gia huấn gồm những lời khuyên về luân thường đạo lý và những câu châm ngôn xử thế; quyển Hiếu kinh dạy về đạo hiếu đối với cha mẹ; quyển Minh tâm bảo giám sưu tập những câu danh ngôn của các bậc hiền triết đã nói trong các kinh điển để răn dạy người đời và xem đó là “tấm gương quý báu để soi sáng lòng người” (Minh tâm bảo giám).

hieukinh_bia
Sách Hiếu Kinh

Ngoài ra còn có những loại như: Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Ngũ thiên tự. Đặc biệt Tam thiên tự(4) là một cuốn sách hay, dễ học, dễ nhớ vì có vần và có đối, học luôn được cả chữ Hán và chữ Nôm:

tamthientu_nd2
Một trang được trích ra trong cuốn Tam Thiên Tự (Đoàn Trung Còn)

Thiên trời, địa đất,
Cử cất, tồn còn.
Tử con, tôn cháu,
Lục sáu, tam ba.
Gia nhà, quốc nước.
…..

Tóm lại, sách học chữ Hán ngày xưa là “Khuôn vàng thước ngọc” lưu truyền từ đời này sang đời khác không có gì thay đổi cho đến khi kết thúc chế độ khoa cử ở nước ta (1918).

CHÚ THÍCH

(1) Vương ứng Lân: tự là Bá Hậu, như vậy ứng Lân và Bá Hậu là một, chứ không phải là 2 người như trong cuốn Khoa cử và giáo dục Việt Nam (tr.72) của Nguyễn Q. Thắng Nxb. Văn hóa – Thông tin, 1993.

(2) Tân tam tự kinh – Quảng Đông giáo dục xuất bản xã 1995.

(3) “Đường hoa gái đẹp má hồng,
Tranh nhau nhìn ngắm anh chàng áo xanh”.

(4) Tam thiên tự do Ngô Thời Nhiệm soạn, bản khắc có chữ Hán và chữ Nôm./.

Thế Anh

(Lấy từ nguồn http://nhanmyhocduong.org/sach-hoc-chu-han-cho-hoc-sinh-nho-tuoi-ngay-xua/)

Dưới đây là các tựa sách học chữ Hán đang có sẵn trên kệ sách tại Tủ sách xưa:

Check our Latest products!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.