Bàn về vấn đề dịch sách cổ tại nước ta – Nguyễn Hiến Lê

Bàn về vấn đề dịch sách cổ tại nước ta

Một số nhà tân học chủ trương loại hết những tác phẩm của cổ nhân viết bằng chữ Hán, không cho vào văn học Việt-Nam. Các vị ấy nói:

– Kể những cuốn như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Vũ trung tùy bút của Phạm – Đình Hổ vào văn học nước nhà thì cũng phải kể những cuốn Légendes des terres sereines của Pham Duy Khiêm, Cannibales par persuasion của Nguyễn-Phan-Long… và sau này, nếu có người Việt nào sáng tác bằng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Ấn-Độ, Nhật-Bản… thì cũng phải ghi tên tuổi họ vào văn học sử Việt-Nam. Như vậy vô lý lắm!

Sách chữ Hán

Theo chúng tôi, quan niệm đó hẹp cho cổ nhân và hại cho văn hóa nước nhà.

Hẹp cho cổ nhân. Vì hai lẽ: hoàn cảnh cổ nhân khác với hoàn cảnh chúng ta; địa vị của chữ Nho hồi xưa khác với địa vị của chữ Pháp bây giờ mà địa vị chữ Nôm cũng khác với địa vị Quốc ngữ.

Ngay từ đời Lý và có lẽ trước nữa, văn nhân, thi sĩ của ta đã lưu lại được những tác phẩm có giá trị (coi cuốn văn học đời Lý của Ngô-Tất-Tổ) mà thời đó chữ Nôm chưa có hình thức đàng hoàng, hoặc có mà rất ít người biết; vậy các cụ không trước tác bằng chữ Hán thì bằng chữ gì?

Từ đời Trần, sau khi Hàn Thuyên áp dụng những luật về thơ, phú của nhà Đường vào Việt ngữ thì cổ nhân có thể làm văn thơ nôm được, nhưng làm cho ai đọc? Cũng lại để cho nhà nho đọc vì chỉ nhà nho mới đọc nổi chữ Nôm (phải học chữ Nho rồi mới hiều chữ Nôm) mà nhà nho không thích đọc chữ Nôm, do hai lẽ: lẽ thứ nhất, họ đã quen với chữ Hán từ hồi nhỏ; lẽ thứ nhì, chữ Nôm không được quy định đàng hoàng, ai viết sao thì viết, nhiều chữ phải đoán lâu mới ra mà đoán sai là việc rất thường, không có tự điển nào để tra cứu cả.

Viết là để người khác đọc, đã không ai thích đọc chữ Nôm thì có ai mà thích viết chữ Nôm? Cổ nhân ít chịu sáng tác bằng chữ Nôm, lẽ ấy rất dễ hiểu và chỉ khi nào cao hứng, muốn cười cợt với gió, trăng; hoặc đau đớn muốn thổ lộ tâm can, các cụ mới dùng đến tiếng mẹ, rồi ghi lại bằng chữ Nôm, cốt cho một số bạn bè thân thích đọc thôi. Còn khi nào muốn cho nhiều người đọc thì tất dùng chữ Hán vì chữ này tiện hơn mọi bề, cho người viết lẫn người đọc.

Và lại, cổ nhân nhiều cụ không cho chữ Hán là một ngoại ngữ và các cụ ấy không phải hoàn toàn vô lý. Tuy chữ mượn của Tàu mà giọng đọc là của ta. Huống hồ, luôn trong hơn một ngàn năm dùng chữ Hán, từ những việc quan trọng của triều đình tới những việc nhỏ nhặt trong dân gian, thì sao còn gọi nó là một ngoại ngữ được ? Cho nên sáng tác bằng chữ Hán đối với cổ nhân là một việc rất tự nhiên.

Hoàn cảnh của các nhà văn Việt viết bằng tiếng Pháp thì khác hẳn. Tiếng Pháp tuy được dùng trong các công sở, được dạy trong các trường học nhưng vẫn chỉ là một ngoại ngữ, mặc dầu nó tới bây giờ còn được tôn trọng hơn tiếng mẹ. Còn chữ Quốc ngữ thì được phổ thông hơn chữ Nôm hồi xưa rất nhiều. Do những lẽ đó, người Việt trước tác bằng tiếng Pháp là làm một việc không tự nhiên; một là họ không viết tiếng Việt dễ dàng bằng viết tiếng Pháp, hai là họ muốn viết cho người Pháp hơn là cho người Việt đọc. Sắp họ vào hạng văn nhân Pháp rất chi lý: còn kể các cụ vào hạng văn nhân Trung-quốc thì mang tội với các cụ đấy.

Hại cho văn hóa. Văn hóa của ta có từ khoảng 900 năm nay. Tới cuối thế kỷ trước trừ một ít tác phẩm viết bằng chữ Nôm, còn thì đều viết bằng chữ Hán. Nếu nhất đán bỏ hết những tác phẩm loại này đi thì văn học của mình còn được bao nhiêu đâu? Lịch sử, địa lý của tổ quốc, tư tưởng, tâm sự, phong tục, đời sống của cổ nhân đều ghi trong đó cả; bỏ phần đó đi, tức như đào cưa cái gốc của ta, đập cái nền tòa văn hóa của ta. Phải vô ý thức lắm mới hô hào làm công việc ấy.

Cho nên, phần văn học bằng chữ Hán của ta, bảo nó là văn học cổ như Nguyễn Đồng Chi (tác giả cuốn Việt-Nam có văn học sử) hoặc gọi nó là văn học quý phái theo quan niệm một số người bây giờ, là gì gì cũng được, nhưng quyết nhiên không thể gọi nó là văn học Trung hoa được. Nó phản chiếu tính tình, tâm hồn, hy vọng, đau khổ của dân tộc Việt Nam, chứ không phải của dân tộc Trung hoa. Bảo nó là văn học Trung Quốc, tức tự nhận rằng từ thế kỷ XIX trở về trước, cả trong những đời Lý, Trần, Lê, nước Việt Nam chỉ là một tỉnh của Trung Hoa, như Quảng Đông, Vân Nam vậy. Ai là người dám nghĩ như thế?

Vậy ta phải trân trọng giữ gìn những tác phẩm chữ Hán của cổ nhân, phải kể nó trong văn học sử nước nhà, hơn nữa, phải dịch ra cho toàn dân đọc và hiểu được.

Năm 1940, Vũ Ngọc Phan, trong cuốn «Con đường nghệ thuật» (nhà xuất bản Nguyễn-Du) đã nói phải dịch gấp những tác phẩm ấy vì càng trì hoãn thì số nhà cựu học càng thưa mà công việc càng hóa ra khó.

Từ đó đến nay, non 15 năm rồi, công việc ấy vẫn chưa làm mà số nhà thâm nho đã thưa, lại càng thưa thêm. Nếu ta lại lơ đãng trong 15 năm nữa thì lúc đó chắc có muốn khởi công, chắc không còn kiếm ra được một nhà nho nữa.

Mà công việc ấy phải có một số tác nho khá đông làm mới nổi. Những nhà tấn học dù chuyên tâm học chữ Hán trong lâu năm, dù chịu khó tìm tòi thì cũng sơ sót nhiều, vì lẽ dưới đây.

Muốn hiểu được rõ văn, thơ cổ, phải được đào tạo trong trường cựu học, phải quen với lối hành văn của cổ nhân, phải biết làm kinh nghĩa, thơ, phú, phải thuộc rất nhiều điển, mà có nhà tân học nào học chữ Hán theo cách đó không? Tuyệt nhiên không. Chúng ta có học là học theo lối vắn tắt, cốt mau đọc được sách, chứ không cần làm được văn, nên cái học của chúng ta không có cơ sở vững chắc như của các cụ, nói theo tiếng thông tục, là cái học « ba chớp ba nhoáng ».

Chúng tôi không muốn vạch lỗi của các bậc học giả mà chúng tôi vẫn trọng như thầy học, nhưng phải đưa vài chứng cứ để độc giả thấy lời chúng tôi không phải là ngoa.

Ai không nhận cụ Trần Trọng Kim là một nhà tân học uyên bác, suốt đời tận tụy với cựu học? Cụ hiểu nhiều lại rất thận trọng, vậy mà dịch Đường thi cũng có chỗ sai nghĩa. Trong bài «Vấn Lưu Thập cửu» của Bạch-Cư-Dị (Đường Thi Tân Việt) có câu :

Vãn lai thiên dục tuyết,
Năng ẩm nhất bôi vô.

Mà cụ dịch là :

Tối nay tuyết xuống bất kỳ,
Uống chơi đó vậy chén thì có đâu ?

Thì tôi e rằng sai. Chữ vô trong câu sau không có nghĩa trái với hữu, mà có nghĩa như chữ phủ để hỏi, và phải dịch là: Uống được một chén không?

Còn nhiều chỗ khác nữa, tôi xin miễn kể ra, kẻo có người trách là bới lông, là bất kính.

Cụ Trần mà còn như vậy thì nói chi đến bọn tân học bây giờ, cho nên nếu ta có thấy một nhà dịch Đường thi nọ lầm Đỗ Mục là Đỗ-Mai (1) thì ta cũng đừng ngạc nhiên.

Nói ngay những nhà cựu học, dịch một mình những văn, thơ cổ, nhiều khi cũng sơ sót. Trong bài «Ai giang đầu» của Đỗ-Phủ “Đường Thi – Tủ sách Tao đàn”, có câu :

Hoàng hôn Hồ kỵ Trần mãn thành,
Dục vãng thành nam vọng thành bắc.

Mà chú thích là: «Trời đã sắp tối, quân kỵ của giặc đi diễu trong thành, làm cho bụi bay mù mịt, mình đi quá xuống phía nam thành để trông lên phía bắc thành, xem cung điện nhà vua khi trước bấy giờ thể nào» thì có vẻ thêm nghĩa cho nguyên văn nhiều quá. Theo tôi, hai câu của Đỗ chỉ có nghĩa là: Trời sắp tối, quân kỵ của giặc làm cho bụi bay đầy thành, nên Đỗ Phủ không nhận được phương hướng, muốn đi về phía nam thành mà lại hướng về phía bắc thành.

Tản-Đà tuy có tài dịch thơ Đường, nhưng có phần không cẩn thận trong việc chú thích. Như trong bài « Tặng nội» của Lý-Bạch (Tản-Đà vận văn Hương-Sơn) cụ cho Thái-thường là một người nghèo túng hèn hạ thủa xưa. Sai. Thái thường là một chức quan coi tế lễ ở miếu đường đời Tần, Hán. Lý-Bạch có ý đùa bà vợ, (Tặng nội là tặng vợ) tự ví mình với một viên Thái thường, suốt năm say mềm, được một ngày không say thì lại là ngày ăn chay, thành thử không đêm nào gần vợ hết.

Vậy muốn khỏi sơ sót, công việc dịch sách có của ta phải được nhiều nhà cựu học bắt tay vào, càng nhiều càng tốt; mà nếu không làm ngay thì công việc sẽ hóa khó khăn lắm!

Chúng tôi nghĩ hiện nay toàn quốc may lắm còn độ trăm nhà túc nho. Trong số đó, có lẽ có được độ mươi cụ sẵn sàng làm công việc dịch đó (vì còn đủ minh mẫn và có thì giờ rảnh), và độ vài chục cụ sẵn sàng giúp ý kiến.

Chúng ta nên rước các cụ ấy về cả thủ đô rồi xin các cụ chỉ huy công việc dịch. Ta có thể thu thập đủ tài liệu, gom lại một nơi, rồi chia làm hai ban:

    • Một ban dịch tác phẩm về văn thơ như bộ Hoàng – Việt văn tuyên, bộ Hoàng Việt thi tuyển của Bùi-Tồn-Yêm (tức Bùi-Huy-Bích)….
    • Một ban dịch tác phẩm có tính cách khảo cứu, như về Sử, Địa.

Mỗi ban giao cho bốn, năm cụ điều khiển. Có nhiều nhà tân học biết ít nhiều chữ Hán phụ lực cho công việc được mau. Công việc có thể sắp đặt như dưới đây:

    • Các cụ lựa sách nào dịch trước, sách nào dịch sau.
    • Cùng nhau chấm cầu (một người chấm, e có chỗ sai).
    • Phiên âm cho các nhà tân học chép, chú thích nghĩa những chữ khó.
    • Dịch nghĩa cho các nhà tân học chép.
    • Các nhà tân học chép lại rồi, sửa lại cho gọn.
    • Sửa xong đưa các cụ coi lại xem có sai nguyên văn không.
    • Cho đánh máy, quay Ronéo lấy bốn năm chục bản.
    • Những bản quay Ronéo đó sẽ gởi đi cho các nhà cựu học khác để xin giúp ý kiến, cho biết có sửa đổi gì không.
    • Một số những bản sửa chữa rồi sẽ giữ trong các thư viện.
    • Một số nữa, đưa cho vài tờ báo đăng.
    • Khi dịch thơ thì hãy dịch ra văn xuôi cho thật sát nghĩa đã, rồi sau sẽ dịch ra thơ. Bản dịch ra văn xuôi, một khi đăng trên báo, tất có độc giả dịch ra thơ. Ủy ban sẽ thu thập những bài dịch đó, lựa bài nào hay nhất làm bản dịch để lưu truyền lại.
    • Khi mọi công việc xong xuôi rồi, một số nhà tân học sẽ lập những thẻ cho mỗi tài liệu (thẻ sắp theo tên tác giả, và thẻ sắp theo từng môn loại) để cho mọi người có thể tìm kiếm và dùng những tài liệu đó được.

Công việc tất tốn tiền, nhưng không tốn bao nhiêu : chỉ một hai triệu bạc trong một hai năm là xong.
Có thể:

    • Mở vài cuộc xổ số (đã có những cuộc xổ số kiến thiết về nhà cửa thì sao không có cuộc xổ số kiến thiết về văn hóa ?).
    • Nhờ các hội văn hóa (như các hội khuyến học) mở những cuộc diễn thuyết hoặc quyên tiền.
    • Nhờ các hội thanh niên diễn kịch để giúp quỹ bán những bản dịch cho các báo.

Hễ chúng ta muốn làm là làm được. Ai là người yêu tiếng Việt mà không sẵn sàng giúp tay vào công việc bảo tồn văn hóa cổ của ta?

Chúng tôi xin nhắc lại, chỉ trong 15 năm nữa, sẽ khó mà kiếm được một bực túc nho còn minh mẫn. Công việc ấy không thể trì hoãn được và rất cần cho văn hóa nước nhà. Hiện nay vẫn chưa có một bộ sử Việt-Nam, một bộ văn học sử Việt-Nam nào thực có giá trị. Tại sao? Tại những tài liệu cổ giữ kín trong những viện bảo tàng mà quốc dân ít người đọc nổi. Một khi đã dịch hết ra Việt-ngữ, một khi những tài liệu ấy đã được phổ thông thì sẽ không thiếu gì người nghiên cứu để soạn những bộ sử có giá trị. Lúc đó, nền văn hóa của ta sẽ tiến được một bước khá dài.

NGUYỄN HIẾN LÊ
Nguồn: Tạp Chí Bách Khoa số 36

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.