Người Việt gốc Miên rất tin tưởng Bùa Ngải. Họ cho rằng Bùa Ngải trị được những sự phá rối của Tà Thần, Ác Thần, của Ma, Quỷ và của những vị pháp sư có ác tâm hại người bằng số tiền thuê, và của loại Ma Lai, loại người Thmup chuyên trù, ếm, thư đồ vật vào bụng. Càng tin ở Thần linh họ càng tin uy lực của Bùa Ngải mà ngay từ thuở bé họ đã nghĩ đến vấn đề dùng Bùa, Ngải trong đời sống của mình.
Mục đích sử dụng bùa
Ngoài sự tự vệ, tránh đỡ kẻ vô hình hoặc người xấu bụng hại mình, người ta nhờ Bùa Ngải giúp cho nhiều việc mà sức người không làm được.
Người làm ăn thua lỗ, thất vọng, muốn vay tiền làm vốn, học sinh hạng đội sổ đi thi vấn đáp, đều nhờ bùa, ngải đề đạt nguyện vọng. Đi làm ăn xa hay định khuếch trương một công nghiệp gì, người ta nhờ bùa đeo trong mình để thâu được nhiều lợi. Gia đạo không yên, sinh hoạt bần chật, người ta cho rằng có ma, quỷ ần trong nhà hoặc oan hồn yểu tử theo khuấy rối, phải nhờ bùa trấn át. Người không toại chí trên đường tình ái, bị ý trung nhân phụ rãi thì nhờ bùa ngải làm cho họ thương. Có người dùng bùa để cứu người bị nạn, ví dụ: con gái bị bỏ bùa trốn nhà theo trai, đàn bà bị bùa bỏ chồng, đàn ông bị bùa mê vợ bé. Có người dùng bùa đề trục thân nhân đi xa lâu về, hay không biết tin tức. Có người dùng bùa đề ếm đối trong nhà trừ tà ma, rước hạnh phúc. Có người dùng bùa để vô Tổ trong mình khi bị đánh không biết đau, chém không đứt, ta thường gọi là gồng. Trong thời chiến tranh đại đa số binh sĩ Việt gốc Miên nhờ bùa tránh súng đạn.
Kẻ có tà tâm dùng bùa đoạt vợ người, dụ dỗ gái tơ, gái góa, giành tình nhân kẻ khác. Có người dùng bùa hại người đau ốm, điên cuồng hay bỏ mạng âm thầm mà pháp luật không biết đến như lối “thư” đồ vật vào bụng. Có người dùng bùa hại người không ở trong nhà được, suốt ngày bức rức, bực bội, rầy la quát mắng thân nhơn, coi gia đình như địa ngục, luôn luôn muốn đi ra khỏi nhà tuy không biết đi đâu làm gì? Có người dùng bùa để luyện thai nhi đẻ non hoặc chết trong bụng mẹ, gọi là Thiên Linh Cái để cờ bạc gian lận hoặc trộm cướp.
Người ta nhờ bùa để trị kẻ dùng bùa hại mình y như lối so tài bằng phép tiên, hai địch thủ nhờ hai vị pháp sư giúp mình đoạt mục đích. Nhưng sự thành bại do tài của pháp sư bên này hoặc bên kia và nhất là do ở việc làm có hợp với lẽ Trời hay không?
Các vị pháp sư
Người có thần lực huyền bí để cho bùa là những vị pháp sư dày công tu luyện, người Việt gốc Miên gọi là KROU. Những vị này sống lẫn lộn với đồng bào, hoặc lấy nghề cho bùa, gỡ bùa, bỏ bùa làm kế sanh nhai, hoặc dùng làm nghề phụ. Có vị ở trên núi sống theo hàng đạo sĩ, ít khi tiếp xúc với đời, chỉ thỉnh thoảng giúp một vài người gọi là có duyên với nhau. Có vị lợi dụng địa thế hiểm trở thu nhận một số đệ tử truyền nghề. Xưa kia, trong giới người Việt gốc Miên có rất nhiều KROU chuyên môn hành nghề ăn tiền công. Người nào muốn hại ai có thể thuê pháp sư cho bùa để bỏ. Kết quả thường khi được như ý muốn nên các ông sống rất dễ dàng, có vị làm giàu lớn tậu ruộng, cất nhà như bậc phú gia. Nhưng vì cậy tài làm bậy cho mình hưởng lợi, hoặc ăn tiền công giúp kẻ khác hại người nên các ông bị quả báo phải đau ốm quặc quẹo nhiều năm, bị bùa hành điên cuồng, bị tàn tật suốt đời nên đám con cháu không dám nối chí ông cha tiếp tục nghiệp nhà nữa. Hiện thời (1968) dòng dõi các pháp sư dưới thời Pháp thuộc có người giải nghệ, có người làm nghề khác mà còn giữ nghề của cha để giúp đời chứ không dám tác oai tác phúc nữa. Ngay các bậc đạo sĩ ở núi cũng ít khi nghĩ đến việc hại người dù có ai chịu một số tiền lớn. Ngoài ra còn một hạng pháp sư đặc biệt nữa là quý vị Sư Sải ở chùa. Hễ nói đến bùa, ngải thì người Việt gốc Miên nghĩ ngay đến ông Sải cả chùa A, ông Sư chùa B, nổi tiếng thế nào. Thì giờ rãnh rỗi ở cửa thiền giúp quý vị học và luyện bùa có kết quả rất tốt.
Người Việt học bùa của người Tàu do ông Lỗ Ban đặt ra nên gọi là Bùa Lỗ Ban. Người Việt gốc Miên, Cao Miên, Lào, Thái, Miến, Nam Dương, Mã Lai học bùa của đạo Bà la môn. Đó là điều oái oăm nhất của quý vị Sư Sải tu theo Phật mà thích luyện bùa của Bà la môn giáo. Nhiều vị đạo đức cao thêm chịu khổ cực năm này qua năm khác để học thành tài hầu giúp đỡ đồng bào. Nhờ quý vị là người xuất gia không màng danh, lợi nên quý vị cho toàn những loại bùa cứu người, giúp người qua cơn khốn khổ, giữ gìn tánh mạng, trừ tà, ếm quỷ, tuyệt nhiên trong giới người Việt gốc Miên không có vị Sải nào ăn tiền mướn dùng bùa hại người. Ở Cao Miên trong giới bùa ngải có nhiều vị pháp sư là người ngoài đời, trong giới Việt Kiều và ngay ở Việt Nam cũng có nhiều thầy bùa làm bậy, hoặc để hưởng lợi, hoặc vì một số tiền. Khi có người bị bỏ bùa, nạn nhơn thường nhờ quý vị Sư Sải cứu giúp. Nhờ uy lực của quý vị, nhất là nhờ tấm lòng trong sạch, ngay thẳng mà kẻ tà mị không thể hại người dễ dàng.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng có người giữ bùa của quý vị Sư Sải và nhân đó, cậy thế làm càn. Những người làm như thế là phạm vào lời cấm kỵ của Sư, tức khắc gặp phản ứng và Sư biết ngay, thân hành đến thu bùa lại. Sự kiện này là một luật lệ nghiêm khắc trong giới bùa ngải mà không ai dám ngoan cố không tuân theo.
Các loại bùa
Áp dụng theo nguồn gốc Bà-la-nôn, quí vị Sư Sải và pháp sư Việt gốc Miên cho bùa dưới nhiều hình thức khác nhau và khác hẳn người Việt theo nguồn gốc Trung Hoa như: Sáp, tượng Phật, tóc danh, bùa khắc trên miếng chì cột vào dây Katha, bùa vẽ trên khăn tay, vẽ trên miếng vải, xâm trên thân thề, vô hột xoàn, vô kim trong mình, nước thuốc để uống gọi là luyện gồng.
Sáp bùa
Sáp bùa làm bằng sáp ong có để mùi thơm đựng trong hộp gỗ tròn như trái quít, hai đầu hơi bẹp xuống chia làm hai phần bằng nhau phía dưới đựng sáp, phía trên làm nắp đậy xoay theo trôn ốc. Hộp sáp gọi là Đâng-Lạp, Sáp bùa có bốn thứ dùng trong 4 trường hợp :
- Sáp rê-biên để trị bịnh thông thường như nhức đầu, mõi tay chửa trặt gân, sưng mình mẫy, tức ngực, đau lưng,
- Sáp “rup mê mết” để trị các chứng bịnh do tà ma, quỷ quái gây nên,
- Sáp “sơ-ne” là bùa yêu của phụ nữ, giữ tình thương của chồng, khiến cho chồng yêu quý mình nhiều hơn
- Sáp “mon akum” thoa vào thì bị đánh không đau, súng bắn vẫn không trúng.
Hộp đựng sáp có nhiều cỡ, lớn nhứt là đường kính sáu phân, thường thường người ta dùng cở đường kính ba phân. Hộp làm bằng loại cây Nhào gọi là Nho rất dễ tiện và không có mùi hôi, sáp đựng vào như đựng trong hũ bằng thủy tinh.
Khi muốn xin sáp bùa, người ta phải mua hộp gỗ này đem đến vị Sư hoặc ông pháp sư trình bày ý muốn. Sư hỏi tuổi đương sự, lật sách xem ngày tốt để làm lễ “tem”, bùa vào sáp gọi là bonn prasethi đâng lạp. Đúng ngày đã định, người xin bùa đem lễ vật vào chùa hoặc nhà pháp-sư gồm có 5 xấp vải trắng, một số tiền tùy theo sự thỏa thuận trước với Sư, một cái nồi đất mới, một bao đèn cầy và một bao nhang. Trong gốc phòng, Sư đã dọn một cái bàn thờ gọi là tóc bây sây. Trên một cái bàn bên cạnh, Sư để trái dừa có cắn nhang, hai đoạn thân cây chuối con gọi là Sa latho và một lư hương. Lễ vật để trên bàn thờ. Sư bắt đầu lấy sáp ong có mùi thơm gọi là Kramoun Koếp cho vào đầy hộp gỗ, đoạn để ngửa trên cái đĩa lớn có chân gỗ hay bằng bạc gọi là chong sráp hay là chong piên, đem lên bàn thờ. Sư ngồi xếp bằng trước bàn thờ bảo người xin bùa ngồi sau lưng, rồi đọc kinh. Thỉnh thoảng, Sư cầm hộp sáp thổi vào. Sau ba lần thổi như thế, Sư lấy nấp hộp đậy lại để trên mâm, tiếp tục đọc kinh, rồi cầm hộp bằng tay trái, tay mặt xoa qua, xoa lại vừa đọc không ngừng miệng, chốc chốc lại xoay ra sau thổi vào đầu người xin nhiều lần. Mỗi lần Sư thổi, người ấy chắp hai tay xá Sư một cách kính cẩn. Sư dở nắp hộp dùng hai ngón tay cái và tay trỏ lấy một ít sáp, vừa đọc kinh vừa thổi vào, và thoa lên chân mày người xin. Bây giờ sáp bùa đã linh thiêng. Cuộc lễ chấm dứt. Người xin nhận hộp gỗ để vào túi trên, từ giả Sư. Về nhà, y phải để hộp sáp trên bàn thờ, thắp nhang khấn vái mỗi ngày. Công dụng của sáp : loại trị bịnh, đau đâu thoa đó, có người lấy cây tăm vít một tí uống cho mau hết nữa, loại trị bịnh tà cũng dùng như trên, loại sáp có bùa yêu thì thoa vào môi khi nói chuyện, thoa trên chân mày, hai bàn tay để xoa vuốt, loại đỡ đòn, đỡ đạn thì thoa khắp mình nhất là trên đầu, trước ngực, sau lưng. Người ta thích dùng nhất là loại sáp có bùa làm cho người khác có cảm tình với mình như vay tiền, xin việc làm, học sinh thi vấn đáp!
Hình Tượng
Thứ đến là tượng Phật nhỏ để trong hộp gỗ đựng sáp, hoặc đeo trên cổ gọi là Prẹt. Tượng làm bằng ngà voi, nha voi, ngà voi cụt, răng voi nanh heo rừng độc chiếc, răng của vị Sải Cả trong chùa còn sống hoặc viên tịch, răng của ông bà, cha mẹ. Làm tượng bằng ngà voi là những miếng ngà làm đồ vật lớn còn dư không có gì đặc sắc, răng voi cũng vậy nhưng hơi đắt tiền vì cứng chắc khó tiện hơn.
Nha voi là ngà voi mới mọc lần đầu thường làm voi ngứa nớu khó chịu, voi phải thọc vào thân cây cho đỡ. Đôi khi voi thọc quá mạnh, nha bị gãy dính vào thân cây. Người ta bắt gặp đem về chẽ ra từng miếng nhỏ. Nha voi khác ngà voi vì dầy đặc không phải bộng và có tính chất kỵ lửa. Vật gì để gần nha voi thì lửa không xâm phạm đến.
Ngà voi cụt là ngà voi chỉ mọc có hơn hai tác mà thôi. Giống voi này rất hiếm có. Ngà mọc một thời gian thì voi bị ngứa ngáy khó chịu phải bẻ gãy để ngà khác mọc ra. Voi hay thọc ngà vào những thân cây to cạnh đầm nước sau khi đã giải khát và tắm rữa. Tượng Phật bằng ngà voi là PRẸT PHLUK.
Nanh heo rừng độc chiếc là nanh của loại heo sống một mình gọi là heo lăn chai, lớn gần bằng con bò, da dầy vô cùng, rất hung dữ, cọp phải sợ. Nanh heo tròn và đặc, khác hẳn loại heo rừng thường có ba góc và bộng. Nanh có tánh kỵ hỏa như nha voi. Heo có nanh đặc ít khi bị người sát hại, chỉ chết già gọi là “rũ”. Vùng nào có heo độc chiếc “rũ” sẽ có cỏ mọc cao và vây kín xác heo. Rủi ro có cháy rừng, cả vùng cỏ ấy không bao giờ bị xém. Nhờ đó người ta mới tìm gặp nanh heo. Tượng làm bằng nanh heo gọi là PRẸT KHNAY TAN.
Người Việt gốc Miên rất quý trọng răng của vị Sải Cả trong chùa và răng của ông bà, cha mẹ mình. Người ta thường xin răng rụn tiện thành tượng Phật, hoặc lúc thiêu xác mà răng không cháy hết. Nếu tiện thành tượng Phật gọi là PRET THMINH, thì nhờ Sư “tem” bùa vào sẽ linh thiêng, hoặc chỉ để vào trong hộp sáp bùa cũng có linh ứng như chính vị Sải Cả hay ông bà mình theo phò hộ mình.
Người nào không đủ tiền thỉnh tượng Phật bằng ngà, bằng nanh heo hoặc nhờ thợ tiện cái răng thì vẫn có thể dùng một miếng ngà, một cái nanh, một cái răng nhờ Sư “tem” bùa, sự linh nghiệm cũng như “tem” vào tượng Phật. Quý vị Sư cho rằng uy lực của bùa không tùy nơi hình tượng mà ở tài sức của người cho.
Người nào có nhiều tiền có thể thỉnh tượng Phật bằng bạc, bằng vàng, bằng vàng gâm, bằng kim cương.
Tóc đanh
Tóc đanh là tóc tự nhiên quấn lại dính liền với nhau thành một miếng dầy, cứng không thể chải gỡ được. Người có tóc đanh phải mang lấy không thể cắt bỏ vì dùng dao cạo hay kéo thì bị đau như cắt vào da thịt mình. Đối với người Việt, người có tóc đanh thường cho là căn tu nên vào ở chùa hoặc sống như một cư sĩ, còn người Việt gốc Miên thì dùng miếng tóc ấy luyện bùa gọi là SOK ĐANH. Họ cho rằng rất ít người có tóc đanh, trong vài chục ngàn người chưa chắc có một, nên họ rất quý. Có người có một miếng, hoặc hai, hoặc ba, một miếng gọi là tônn, hai miếng thì coi như vợ chồng, miếng lớn là chồng gọi nhi, miếng nhỏ là vợ gọi sơ mônn, nếu có miếng thứ ba nhỏ hơn là đứa con gọi Kônn. Khi người vợ có tóc đanh muốn cho chồng mình làm bùa phép thì phải nhờ một vị pháp-sư (KROU) cao tay ấn đọc thần chú cầu xin Thần linh rồi mới cắt được. Không bao giờ ai có thể cắt tóc đanh của người chết làm của riêng mình.
Khi người nào tự nhiên có tóc danh phải đến 7 ngôi chùa khác nhau, trong ngày lễ Phật, đem nhang, đèn cầy đốt trước Phật đài cầu xin tóc mình có uy lực tuyệt đối. Người Việt gốc Miên tin rằng người có tóc danh không bao giờ bị kẻ nào đánh đập hoặc bắn giết được. Dù có chỉa súng vào người đi nữa, cò bóp cũng không nổ. Mỗi tháng hai lần nhằm ngày mồng 8 và 15, người có tóc đanh phải làm lễ Phật tại chùa hay tại nhà, dâng lễ cúng là bắp rang nổ, và thoa dầu dừa lên mái tóc. Người nào có miếng tóc danh ở ngoài như của vợ cắt cho hoặc đầu tóc mượn của mình bị đanh thì để mớ tóc ấy trên bàn thờ. Người nào cũng thuộc bài kinh để đọc trong lúc làm lễ giữ sự linh ứng luôn luôn.
Bùa khắc trên chì (Kàtha)
Một lối giữ bùa thông dụng trong giới người Việt gốc Miên là Sư khắc bùa trên miếng chì, cuốn lại cột vào sợi giây xe bằng chỉ ngũ sắc gọi là KÀTHA, ta gọi là giây niệt. Chính người xin bùa đem một cục chì đến nhờ Sư định ngày làm lễ gọi là bonn prasethi Katha và sửa soạn trước. Sư hơ chì trên lửa cho mềm, dùng búa đập dẹp và cắt từng miếng dài 5 phân, ngang 3 phân. Sư dùng một cây viết , đầu bằng sắt nhọn gọi là dek chak vẽ bùa trên một mặt, đoạn cuốn tròn quanh một sợi giây xe bằng chỉ ngũ sắc mới gọi là Kse Katha. Số chì nhiều ít tùy theo loại giây Katha và tùy người xin.
- Loại 3 miếng đeo trên cổ hay cánh tay rất thông dụng có mãnh lực che chở người đeo tránh khỏi tai nạn khi đi đường và những chuyện bất trắc trên đời.
- Loại 5 miếng, 7 miếng hay 12 miếng đeo ngang hông là bùa giữ mình của binh sĩ, cảnh sát viên và các tay buôn lậu, trộm cướp.
- Loại 21 miếng gồm 11 miếng dẹp và 10 viên tròn công dụng như trên lại có thêm phép tránh được súng đạn.
Đến ngày lễ, người xin bùa mang lễ vật gồm có 5 xấp vải trắng, một số tiền tùy theo sự thoả thuận trước với Sư, một cái nồi đặt mới, một bao đèn cầy và một bao nhang. Sư để trên cái khánh thờ đóng vào vách cùng với hai đoạn thân cây chuối có cắm nhang và hai ly nước có mùi thơm. Sư đốt đèn, nhang nhểu vài giọt dầu thơm vào một cái ô bằng đồng đựng phân nửa ô nước lạnh rồi để lên khánh thờ. Cuộc lễ bắt đầu Sư ngồi xếp chân trước khánh, người xin bùa ngồi phía sau bên phải Sư đọc kinh, tay trái cầm giây Kàtha, tay mặt xoa qua, xoa lại, thỉnh thoảng thổi vào một lần. Lát sau, Sư xoay lại đeo giây vào cổ người xin, cầm miếng lá chuối cuốn tròn chấm vào ô nước rải trên đầu, trên vai kẻ đeo bùa Người này kính cẩn chấp tay vái khánh thờ và vái Sư vừa lầm thầm khấn nguyện. Lễ xong, giây Kàtha có đủ hiệu lực che chở người đeo nót. Người ta đeo Kàtha lúc đi đường, lúc đi làm ăn mà có phần nguy hiểm. Khi ở nhà, lúc đi tắm, đi cầu phải cổi ra để trên bàn thờ không được bỏ bậy bạ. Một tháng, ba tháng hay sáu tháng phải đem Kàtha đèn Sư “tom” bùa thêm để giữ đủ quyền lực. Thời hạn này tùy Sư ấn định.
Bùa vẽ trên khăn, trên vải
Vị Sư cho bùa trên khăn, trên vải gọi là KROU YON tài lực cao hơn Sư cho giây Kàtha. Sư vẽ bùa trên khăn tay để bỏ túi, trên mảnh vải to bằng cái khăn quấn cổ gọi là Kanseng dek chat, và trên cái áo lá gọi là ao von. Vải may khăn và áo là vải trắng thường nhuộm màu xanh lá cây. Đối với người Việt gốc Miên màu xanh lá cây là màu để dành riêng cho những nhân vật quan trọng, cho cấp chỉ huy. Theo thần thoại Bà-la-môn thân thể các vị Thần đều có màu xanh lá cây đậm. Mỗi khi cho khăn hay áo bùa, pháp sư hỏi kỹ tên tuổi của ông bà, cha mẹ người xin, tính toán cẩn thận và tùy theo số mạng của từng người mà vẽ bùa trên vải. Khi nhận khăn, áo, người xin cũng đem lễ vật đến nhà Sư làm lễ giống như lễ xin giây Kàtha.
Uy lực của khăn áo bùa cũng giống như giây Kàtha. Riêng về ao von thì hùng mạnh hơn: người mặc áo bị đánh không đau, chém không đứt, súng bắn không trúng. Số tiền thỉnh cái áo rất cao vì ít có vị pháp sư nào có đủ tài ban cho. Người ta mặc áo bùa hay giữ khăn bùa trong mình khi đi ra ngoài, khi làm ăn bằng nghề nguy hiềm; lúc ở nhà thì để trên bàn thờ. Hàng tháng phải cúng lạy vào ngày mồng 8, ngày 15, và khi hết thời hạn do Sư ấn định, phải đến nhà xin Sư «tom», bùa lại.
Bùa xâm trên thân thể
Muốn xin xâm bùa trên thân thể, người con trai phải đủ tuổi vị thành niên, thường là 17 tuổi mới được Sư nhận. Vị Sư xâm bùa gọi là KROU SĂC. Sư dùng một mũi kim cắm trong cái cán gỗ gọi là dek chak xâm chữ Phạn và hình Thần Bà-la-môn ở cùi chỏ, đầu gối, cổ tay, bã vai để giữ đương sự khỏi bị trặt gãy xương và khi bị đánh đỡ đau. Mỗi lần xâm như thế, Sư không, tổ chức lễ bái gì cả, việc này xem như một việc làm hằng ngày trong giới người Việt gốc Miên.
Lớn lên, nếu cậu trai thích học võ thì xin thọ giáo với ông thầy gọi KROT KUÔN. Vị võ sư nào cũng biết xâm bùa và tự xâm cho học trò trên bắp thịt, khắp thân thể. Uy lực của bùa che chở cho kẻ bị đánh không đau và thân thể tăng thêm phần lanh lẹ. Bùa xâm nhiều như thế có hiệu nghiệm nhiều hơn cách xâm ở trên và có thể đỡ được các lối đánh bằng tay, chân và gậy gộc, nhưng không thể tránh súng đạn.
Vô hột xoàn, Vô kim trong mình.
Người có nhiều tiền có thể xin Sư vô hột xoàn, hay kim vàng, kim bạc trong mình để khi bị chém, bị đánh chỗ nào thì hột xoàn hay kim “chạy” đến đó đỡ đòn và khi sắp có tai nạn, kim hay hột xoàn sẽ chích nhẹ trong mình cho biết để tránh. Tùy theo ý người xin muốn vô thứ và số lượng nhiều ít thì đem đến Sư làm lễ cúng bái đàng hoàng. Sau khi đọc xong thời kinh, Sư cầm hột xoàn hay kim để trên cánh tay đương sự, đọc thần chú một hồi, khi Sư dở tay lên thì xoàn hay kim “lặn” mất vào trong mình mà không có dấu vết trầy, sứt gì cả. Sư dạy người vô kim một câu thần chú “gọi”, các món các món ấy nổi lên da cho rờ xem làm chắc, và muốn cho nổi lên chỗ nào cũng được. Bình thường xoàn hay kim chìm vào trong, khi nào có tai nạn sẽ nổi lên chống đỡ. Khi đương sự không muốn giữ trong mình nữa thì nhờ Sư lấy ra. Sư làm lễ đọc kinh rồi để bàn tay trên cánh tay người ấy đọc thần chú một hồi, xoàn và kim sẽ theo tay Sư ra ngoài không thiếu chút nào.
Người dùng bùa theo lối này là dân sang, có tiền dư không muốn giữ khăn, sáp hay giây Kàtha trong mình, nhất là không muốn cho người khác biết mình có bùa. Lẽ cố nhiên mỗi lần vô bùa rất tốn kém về tiền công của Sư vì không phải Sư nào cũng có tài dám đảm nhận việc này.
Nước thuốc luyện gồng.
Có vị pháp sư biết chế thứ nước thuốc cho người uống gọi là TUK THNAM KONG để da cứng rắng, dao búa chém không đứt, ta gọi là GỒNG. Người nào đã dùng thuốc rồi thì không còn sợ ai chém nữa, dù là chém lén. Lưỡi dao đụng đến thân thể kẻ ấy cũng như gặp cao su. Phương pháp chế thuốc được giấu kín, nhưng có người cho biết một vài món do Sư tìm như sau: Sư bỏ trong một cái hũ nước lạnh:
- Loại giây leo mọc từ trên nhánh cây da thông xuống như cái thang gọi là CHANDO SƠHOA,
- Loại cây nhỏ có dầu gọi là DIA PRÊNG,
- Loại cây chùm gởi mọc trên các gốc cổ thụ gọi là BA NHƠ KA ÉT.
- Thịt con trăn gọi là PỐT TH LANN,
- Thịt con bìm bịp gọi là A ỐT SBÂU,
- Thịt con cù lần gọi là LÔ NHI,
- Phần của con kên kên lông đỏ lấy tại ổ gọi là SẦMBÓC THMÁT PHLƠN.
Ngoài ra không ai được biết Sư làm gì và bỏ gì thêm trong hũ. Sư bịt miệng hũ bằng miếng lá chuối cột giây, trên cắm ba cây nhang, đoạn để hũ trên lò lửa. Sư vạch một ô vuông xung quanh lò, mỗi góc cắm một cái nọc gỗ trên để một đoạn thân cây chuối gọi là Salatho có cắm cây đèn cầy. Từ nọc gỗ này đến nọc kia, Sư cột sợi chỉ trắng để đóng khung cái lò. Vừa làm Sư vừa đọc thần chú lầm bầm trong mồm. Sư đốt lò và đốt bốn cây đèn cầy ở bốn góc, ngồi canh lửa cho đến khi Sư nhận thấy thuốc đã tới. Sư tắt lửa và để nguyên hũ trên lò đến khi thuốc nguội mới cho người xin dùng.
Mỗi lần luyện gồng phải mất bảy ngày gọi là TRANAM. Suốt khoảng thời gian ấy, đương sự chỉ uống toàn nước thuốc, không được dùng chất gì khác. Khi hũ thuốc cạn, Sư đổ nước thêm, nấu lại bao nhiêu lần cũng được. Đến ngày thứ bảy, Sư cầm cái dao bén chém lên lưng người luyện gồng nhiều lần thật mạnh, nếu lưng không đứt là thuốc có công hiệu ngay một lần dùng thuốc. Có khi người luyện phải uống liên tiếp 2 hay 3 lần thuốc mới có kết quả. Mỗi lần Sư phải chế hũ thuốc mới.
Giữ bùa phải thế nào?
Người xin bùa của một vị Sư Sãi hay một vị pháp sư được nhận làm đệ tử của Sư, phải nghe lời Sư dặn trong lúc giữ bùa. Nếu coi thường, cẩu thả hay trái lịnh thì gặp sự phản ứng tức thì, tùy theo lỗi nặng nhẹ mà gánh chịu hình phạt. Có người phải bỏ mạng vì phạm lỗi nặng. Những điều cấm kỵ gồm có ba mục tiêu: tinh thần, sự tôn kính và các thức ăn.
Về tinh thần, Sư dặn 5 điều: không giết người, không trộm cắp, không nói láo, không gian dâm, không dùng những món vật làm thỏa mãn thú tánh. Kẻ cướp, kẻ trộm dùng làm bùa quấy lại tin rằng chúng sẽ cúng chùa, làm phước sẽ hết tội và bùa không mất sự linh ứng!
Về sự tôn kính, người giữ bùa phải lập một cái khánh thờ riêng để nhang đèn thường trực và để giây Kàtha, tượng Phật, hộp sáp, khăn bùa vân vân… khi ở nhà. Lúc muốn đeo bùa, phải thắp nhang vái lạy rồi mới lấy. Nếu đệ tử dọn nhà đi ở nơi khác, phải để bùa trong rương và phải để ở trên quần áo. Bùa để trong rương rồi không được ngồi trên đó. Tất cả loại bùa không bao giờ được dùng hay đeo phía dưới lưng quần. Hộp sáp để trong cái khán mới, cột trên cổ hay để trong nón. Khi cần đến lúc đánh nhau hay binh sĩ ra trận thì ngậm vào mồm. Giây Kàtha thì đeo trên cổ, trên cánh tay hay ngang hông. Áo von mặc trong mình như áo lót. Khăn bùa cột trên cổ. Khi đeo bùa trong mình, người ta không được đi dưới sàn nhà, chung ngang sào phơi quần áo, giàn trò cất nhà, giàn bầu, giàn mướp, không được đi gần chỗ dơ dáy. Lỡ phải đi tiểu phải đứng không được ngồi. Đi tiêu thì để bùa ở ngoài cầu, người giữ bùa phải cẩn thận, đừng để kẻ khác ăn cắp, mặc dầu kẻ nào dùng bùa lạ với mình sẽ bị nhiều tai hại khó lường được.
Về thức ăn, tùy theo loại bùa, Sư dặn đệ tử tránh các thứ trái cây và rau như : dưa leo, tỏi, rau mò om, riềng, khoai môn, đu đủ, bí, khế. Khi ăn cơm với thịt bò, thịt heo, phải cởi bùa ra.
Người cầm bùa phải giữ lời hứa với Sư, lời thề với Tổ. Phản Tổ quốc, phản bạn sẽ bị chết vì súng đạn, bất đắc kỳ tử. Chửi thề, mắng nhiếc người khác sẽ bị tai nạn xe cộ hoặc bị đạn mà chết. Lấy vợ người, hiếp con gái sẽ bị thương ở bộ sinh dục. Phạm lỗi nhẹ, bùa sẽ hành nhức đầu, chóng mặt, có khi nằm chiêm bao thấy vị Tổ quở trách. Đương sự phải thắp nhang tạ lỗi đọc câu thần chú do Sư truyền khi trao bùa, rồi bỏ giây niệt (Katha) trong một ly nước lạnh, uống ba hớp, rửa mặt, rửa đầu bằng nước ấy. Xong, phải để mặt cho khô, không được lau bằng khăn. Làm như thế, bịnh sẽ hết ngay tức thì, đó là Tổ sư bằng lòng tha lỗi. Phạm lỗi nặng, Thần linh sẽ không theo nữa, người cầm bùa không còn thấy sự linh ứng gì hết, ví dụ: có bùa gồng chém không đứt, lúc phạm lỗi sẽ bị chém đứt như người thường. Tiếng trong giới là KHỐT KROU nghĩa là hư bùa.
Kẻ nào dùng bùa làm quấy như gạt đàn bà góa đoạt của, lừa người lấy tiền, vay tiền rồi quịt tuy có hưởng lợi một ít lâu nhưng sau đó sẽ bị tai nạn hao tổn xấp ba xắp bốn lần và khổ nhục ê chề, đau đớn gắp trăm lần đã hưởng được sự sung sướng một cách bất lương. Ngay cả những vị pháp sư ỷ có thần lực hại người ăn tiền hay để hưởng lợi cũng bị Trời phạt cho thân tàn ma dại, con cháu nghèo khổ, tàn tật suốt đời làm trò cười cho thiên hạ.
Bùa trong thời khói lửa.
Trong thời khói lửa, người Việt gốc Miên nhờ quí vị Sư Sải cho bùa đề tránh súng đạn. Vị Sư thường biểu diễn cho người ta xem tài mình như cầm trái lựu đạn cho nổ trên tay mà không bị thương, hoặc đưa ngực cho người bắn mà không trúng. Người đeo bùa loại này vào thì không sợ súng đạn, dù cho bị bắn cũng rách quần áo mà thôi. Gặp trường hợp địch bao vây hoặc rượt gần kề, người có bùa đọc câu thần chủ rồi thì hoặc:
- Nín hơi chạy một mạch,
- Ngồi vịnh cái ghế,
- Mgồi nắm một bụi cỏ,
- Đứng vịnh một thân cây thì đối phương sẽ không thấy mình. Một số quân nhân Việt cũng nhờ quý vị Sư Việt gốc Miên cho bùa để giữ mình, vì thấy sự linh ứng trước mắt của anh em binh sĩ Việt gốc Miên trong hàng ngũ.
Có người lại nhờ bùa ngải để làm… chính trị nữa. Đó là người tổ chức Đảng Khăn Trắng dùng miếng mồi này để nhử một số thanh niên hiếu kỳ, thích phiêu lưu. Ông ta tuyên truyền rằng các đệ tử đi theo ông được cấp mỗi người một cái khăn trắng đeo trên cổ. Khăn này là khăn có uy lực cản súng đạn không thể chạm vào mình nghĩa là người có khăn sẽ trường sanh bắt tử. Bề dài và bề rộng của khăn tùy theo số mạng, tuổi tác của người được cấp từ hai thước đến hai thước rưỡi bề dài và rộng nguyên khổ vải. Ngoài cái khăn, các đảng viên được học thêm bùa tàng hình, có thể đi trước kẻ khác mà kẻ ấy không thấy mình! Nhưng khi ra trận rủi có ai bị bắn chết thì vị chỉ huy cho là kẻ ấy tới số, không thoát khỏi số trời đã định. Câu chuyện trên đây đã đi vào lịch sử từ năm 1960 đến ngày 1-11-1963 thì cáo chung, ông cầm đầu dắt cả đảng ra đầu thú với Chánh phủ sau mấy năm gây rối ở vùng biên giới Châu Đốc, Hà Tiên.
Lê Hương
Trích: Người Việt Gốc Miên (NXB Văn Đàn 1969)