Bàn về Phúc Đức và luật nhân quả

Ở hiền thì gặp lành. Phúc Đức và luật nhân quả đều hướng con người đến cái thiện, dạy con người ta thấy quả đắng thì đừng gây nhân.

I. Hiểu thế nào là Phúc Đức

Bản thân mỗi người được tồn tại trên đời, được hạnh phúc hay thuận buồm xuôi gió, công danh phát triển… tất cả đều do Phúc Đức mà ra. Phúc Đức càng nhiều thì vật chất càng sung túc, tinh thần càng thoải mãi và luôn đứng ở vị thế cao hơn những người khác.

Phúc đức là một lá bùa may mắn, là một siêu năng lực mang vận may, tài lộc cho thân chủ. Khi gặp bất lợi, lập tức phúc đức phát huy sức mạnh của mình, hóa giải tai ương, mang đến sự bình an cho chủ nhân. 

Phúc Đức (Phước Đức) là tập hợp của hai phần, Phúc và Đức.

Có câu “Cầu Phúc chưa chắc đã được Phúc, nhưng tạo Phúc thì chắc chắn được Phúc”. Tích lũy đủ Phúc Đức thì hung có thể hóa thành cát, gặp dữ hóa lành đó gọi là cải vận. Phúc như một phần của cải ông bà, cha mẹ để lại cho con cháu, nó không phải là vật chất, là tiền bạc nhưng lại gấp nhiều lần tiền bạc. Phúc được sinh ra từ những hành động thiện lành, Phúc tích lũy dần trong quá trình ăn ở của các bậc tiền bối có chung huyết thống và lắng đọng lại, kết thành trái ngọt cho các thế hệ sau. Ông bà, cha mẹ, Tổ tông sẽ là người tạo ra và truyền lại Phúc cho con cháu, nên mới có từ “hưởng phúc”.

Phúc được tích lũy dần theo năm tháng rồi để lại cho đời sau. Còn Đức là ý niệm, là những nghĩa cử cao đẹp sinh ra trong tâm mỗi con người.

Đức là do chính bản thân mỗi người tạo ra, vì thế người ta mới gọi là tích Đức. Trước tuổi thành gia lập thất, Phúc sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời mỗi con người còn sau khi đã có gia đình của riêng mình phần Đức sẽ chi phối vận mệnh cho đến lúc chết và đời con cháu tiếp theo.

“Cây xanh thì lá cũng xanh

Cha mẹ hiền lành để phúc cho con”

Có những người may mắn được sinh ra trong một gia đình có đạo đức, ông bà cha mẹ là người hiền lương, chăm làm việc thiện nên phần phúc của người này rất nhiều. Vì thế, trước tuổi lập thân, người này sẽ hành sự thông thuận, gặp nhiều may mắn. Nhưng từ tuổi trung niên trở đi, cuộc đời và thân phận của người này sẽ phải chịu ảnh hưởng của phần Đức.

Trong quá trình sống trước đó nếu người này tử tế, sống lương thiện thì phần đời còn lại cũng sẽ yên bình trôi qua, không gặp trắc trở nhưng nếu luôn có ý xấu, làm việc tổn hại đến người xung quanh thì bắt đầu từ giai đoạn này họ sẽ phải gánh hậu quả cho những gì mình đã làm. Người ta gọi đó là nghiệp chướng, nếu phần nghiệp chướng này quá nhiều, nó sẽ được truyền lại cho đời sau.

Chăm chỉ tích Đức, làm nhiều việc thiện để hóa giải đi cái nghiệp, không chỉ của mình mà còn của đời trước để lại.

Đức càng nhiều, tâm càng sáng, làm việc hay ý đẹp thì luôn có người yêu thương, hỗ trợ. Tích Đức chưa bao giờ là đủ, khi sống hãy luôn tâm niệm điều này để không chỉ đời mình mà nhiều các thế hệ con cháu về cũng được hưởng Phúc từ tổ tiên để lại.

Trời không tuyệt đường người. Dù cuộc đời bạn chưa suôn sẻ bởi chịu ảnh hưởng của cái nghiệp trong quá khứ, thì qua giai đoạn lập thân, chính hành động, suy nghĩ của bản thân sẽ chi phối tương lai của bạn, vị trí sau này của bạn ở đâu còn tùy thuộc vào bạn làm gì hôm nay.

Đừng vì cái khó khăn trước mắt mà sinh ra lòng đố kị, thù hận để dẫn tời những hành động không hay. Chỉ có bản thân mỗi người mới tự tuyệt đường sống của chính mình.

Phúc Đức là một dạng sức mạnh tâm linh, một dạng siêu năng lực bảo vệ mỗi người. Người hơn người một phần là do tài năng nhưng phần nhiều là do cách sống đã tạo ra Phúc Đức khiến người khác tôn trọng, kính mến họ. Tiền bạc và địa vị khi chết sẽ không thể đem theo nhưng Phúc Đức hay Nghiệp Chướng sẽ được truyền từ đời này qua đời khác. 

Phúc Đức sẽ bị hao mòn nếu con người tạo tác ác nghiệp, và nghiệp chướng sẽ được hóa giải khi Phúc Đức được tích lũy. Mỗi người đều đang cầm trên tay một thanh gươm báu sử dụng vào việc tạo Phúc Đức.

II.Luật nhân quả

Vạn vật và vũ trụ đều tuân theo luật nhân quả. Không phải do Trời, Phật hay một đấng tối cao nào tạo lập và cũng không một ai có thể can thiệp được. Nó được hàng ngàn năm chiêm nghiệm của người xưa đúc kết ra và trở thành một bài học quý giá để mỗi người nhìn vào và ăn ở sao cho hay, cho đẹp. Xưa nay vốn dĩ như vậy, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Không làm việc ác sẽ không lo báo ứng. Một người gây tội ác có thể lọt lưới pháp luật nhưng không thể nào thoát được nhân quả và báo ứng. Bạn có thể thấy người phạm pháp không bị xử lý nhưng nào đâu hay, cái báo ứng đã đến với bản thân họ và thậm chí cả người họ yêu thương. Nhân gian thường nói: “Ở hiền thì gặp lành và gieo nhân nào gặp quả nấy” hay “Nếu muốn biết quá khứ hãy nhìn hiện tại. Nếu muốn biết tương lai ra sao thì hiện tại sẽ trả lời” cũng là đạo lý về Nhân quả vậy!

Thật ra nhân quả rất sâu xa, cái chúng ta đang thấy, đang chiêm nghiệm chỉ là một phần nhỏ, phần nổi trên bề mặt. Còn phần chìm bên dưới đến cảnh giới của Bồ tát vẫn chưa thể thấu suốt. Kinh dạy: “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ tát luôn biết tạo nhân thì sẽ gánh quả nên làm việc gì cũng cân nhắc trước sau rồi mới làm để tránh đi những quả báo đau khổ về sau. Chúng sinh phàm phu thì ngược lại. Thấy nhân đưa đến quả khổ vẫn vì cái lợi trước mặt để tạo ác nghiệp phải đọa lạc trầm luân trong khắp nẻo khổ đau của luân hồi

III. Kết luận

Phúc Đức hay luật nhân quả đều hướng con người tới cái thiện lành, tâm sáng cuộc đời mới sáng. 

Phần cảm nghĩ bên trên có thể làm nhiều người suy nghĩ, liệu Phúc Đức có phải một phần trong luật nhân quả hay không. Hai khái niệm khác nhau nhưng lại cho ra cùng một ý nghĩa.

Đọc và chiêm nghiệm thêm nhiều bài Phật dạy để tu tâm, tích Đức: https://tusachxua.com/spc/phat-hoc/page/6/

Hãy đón chờ bài bình tiếp theo để cùng bàn thêm về Phúc Đức và luật nhân quả, liệu hai khái niệm này có bao hàm nhau hay không.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.